PCCC An toàn trong quá trình sử dụng khí đốt hóa lỏng (khí gas)
PCCC An toàn trong quá trình sử dụng khí đốt hóa lỏng (khí gas)
Trong những năm gần đây, , trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ khí gas gây thiệt hại lớn cả về người lẫn tài sản, gây tâm lý hoang mang lo lắng trong nhân dân, nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng không nắm vững tính chất nguy hiểm cháy nổ của khí gas, chủ quan lơ là, vi phạm quy trình an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Hãy cùng Petro SaiGon tìm hiểu một số kiến thức cơ bản nhằm giúp mọi người sử dụng gas an toàn và biết xử lý một số tình huống thường xảy ra.
1. Thành phần, màu sắc, mùi vị, tính độc hại của khí gas
- Thành phần: thành phần chủ yếu của khí gas là Propan (C3H8.) và Butan (C4H10) và một số hợp chất khác.
- Màu sắc: dưới dạng lỏng gas không có màu, dưới dạng hơi gas có màu sáng trắng.
- Mùi vị: khí gas ở trạng thái nguyên chất không có mùi, nhưng để dễ phát hiện người ta tạo ra một mùi gọi là “Mezocaptan” đặc trưng như mùi bắp cải thối.
- Khí gas là loại khí đốt sạch do hàm lượng lưu huỳnh gần như không đáng kể (dưới 0,02%) nên gần như không độc hại, tuy nhiên nếu hít phải một lượng lớn có thể bị ngất, nguyên nhân do hơi gas nặng hơn không khí chiếm thể tích oxy của không khí khiến hàm lượng oxy nhỏ hơn 9% có thể gây tình trạng ngạt thở. Ngoài ra, khí gas có khả năng gây ra hiện tượng ăn mòn da hay làm mờ mắt nếu tiếp xúc trực tiếp với khí gas do quá trình thu nhiệt khi gas chuyển từ thể lỏng qua thể khí.
2. Nguyên nhân cháy nổ khí gas
- Do quy trình công nghệ sang, chiết, nạp không đảm bảo an toàn, không tuân thủ nghiêm ngặt quy định PCCC, do sang, chiết, nạp gas trái phép.
- Quá trình vận chuyển không an toàn như chở quá mức quy định, phương tiện vận chuyển không đảm bảo an toàn, chạy quá tốc độ, phanh gấp gây va đập, kích nổ...
- Quá trình sử dụng không an toàn như thiếu kiểm tra, thay thế thiết bị hỏng hóc, hết hạn sử dụng, không biết cách xử lý khi gas bị rò, đặt bếp, đặt bình gas vị trí không phù hợp...
3. Các biện pháp an toàn
- Tuyệt đối không sang, chiết, nạp gas trái phép. Việc sang, chiết, nạp phải được tiến hành ở cơ sở có đủ dây chuyền công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn PCCC.
- Phương tiện vận chuyển gas phải bảo đảm an toàn, chở đúng quy định, chạy đúng tốc độ và phải thực hiện nghiêm túc quy trình PCCC.
- Khi mua bếp gas, bình khí gas phải chọn đại lý tin cậy, hãng gas có uy tín, thương hiệu tốt. Cần yêu cầu nhà cung cấp tư vấn cụ thể cách sử dụng, bảo quản và thay thế phụ kiện. Không vì ham rẻ mà mua đồ trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc dùng gas giá rẻ sang chiết, nạp trái phép
- Bếp gas phải đặt nơi cao ráo, khô, thoáng, nhưng không đặt gần cửa sổ, hoặc cửa đi, gần bảng điện. Bình gas đặt trên nền chắc chắn, không đặt trên cao.
- Thường xuyên kiểm tra bếp, van điều áp ở bình gas, ống dẫn gas, nếu phát hiện hư hỏng, trục trặc kỹ thuật phải khắc phục ngay.
- Luôn luôn chú ý phát hiện gas rò: khi thấy gần vị trí đặt bình gas có làn khí đục màu sương trắng hoặc ngửi thấy mùi đặc trưng của bắp cải thối là tín hiệu cho biết gas đã bị rò phải tìm cách xử lý ngay.
4. Cách xử lý khi gas bị rò, cháy ở bình gas
- Khi phát hiện rò gas, tuyệt đối không dùng lửa trần để soi, không thay đổi chế độ hoạt động của thiết bị điện: không bật điện, bật quạt, nếu điện đang sáng, quạt đang quay thì không được tắt đi. Nhẹ nhàng mở tất cả các cửa để thông gió, dùng dụng cụ thô sơ như thúng, mủng, nong, nia, quạt tay để đuổi khí gas ra ngoài. Dùng giẻ nhúng nước xà phòng rà lên bề mặt bình gas để phát hiện vị trí gas rò (chỗ có sủi bọt xà phòng) đắp xà phòng bánh lên đắp giẻ bên ngoài dùng dây cao su buộc chặt lại rồi đưa bình gas ra nơi an toàn.
- Trừ trường hợp gas bị rò quá nhiều dễ phát sinh cháy, nổ lớn còn đa số trường hợp xảy ra cháy ở cụm van điều áp ở phía trên bình gas. Cách xử lý rất đơn giản: dùng khăn lớn hoặc chăn chiên nhúng đẫm nước phủ lên sẽ tắt. Tốt nhất là dùng bình bột chữa cháy (loại MFZ4 hoặc MFZ8) là an toàn và hiệu quả nhất.
5. Cách xử lý ban đầu khi bị tai nạn do tiếp xúc trực tiếp với khí gas
- Mờ mắt: đưa người bị nạn ra nơi an toàn, giữ mắt ở tư thế mở, dùng nước sạch để rửa mắt liên tục trong vòng 10-15 phút và đưa đi cơ sở y tế gần nhất.
- Ăn mòn da: đưa người bị nạn ra nơi an toàn, dùng nước sạch rửa chỗ da bị tiếp xúc với khí gas liên tục 10-15 phút để tránh bị ăn mòn rồi đưa đi cơ sở y tế gần nhất.
- Ngạt thở: đưa người bị nạn ra nơi an toàn, thoáng khí, nếu người bị nạn không còn thở được thì tiến hành ngay việc hô hấp nhân tạo, song song với việc sưởi ấm cho nạn nhân, đưa nạn nhân đi cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp nhiều người sử dụng gas an toàn.
CÔNG TY TNHH LPG SÀI GÒN
Địa chỉ: 531F Cách Mạng Tháng Tám, P. 13, Q.10, TP.HCM
Hotline: 070 826 67 89 - 028 3987 7888
Email: lpgsaigonco@gmail.com